Trước khi tới Iran ngày 23/7, Trần Đặng Đăng Khoa đã phải vượt qua những nguy hiểm rình rập tại quốc gia đầy bất ổn Pakistan, thường xuyên được cảnh sát hộ tống để đảm bảo an toàn.
Khởi hành từ TP.HCM ngày 1/6, sau khi đi qua các nước Campuchia, Thái Lan, Nepal, Ấn Độ trên hành trình đi xe máy vòng quanh thế giới, chàng trai sinh năm 1987 Trần Đặng Đăng Khoa đặt chân tới Pakistan – quốc gia đầy bất ổn và phức tạp do chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và các vụ tranh chấp vũ trang ở biên giới gây ra. Anh dành 20 ngày khám phá đất nước này.
Tại thủ đô Islamabad, Đăng Khoa lấy được visa để nhập cảnh vào Iran – điểm dừng chân tiếp theo, qua cửa khẩu Taftan cách đó 2.000 km. Chàng trai đến từ Tiền Giang dự định đi đường vòng qua thành phố Lahore vì rút ngắn được 300 km. Tuy nhiên, kế hoạch này không thành công do đây là khu vực bất ổn, cảnh sát không cho phép đi một mình.
Vì vậy, xe máy của Đăng Khoa được đưa lên xe thùng, còn anh được cảnh sát hộ tống ra khỏi khu vực nguy hiểm. Theo anh, cảnh sát Pakistan rất tốt bụng, nhiệt tình và nỗ lực bảo vệ an toàn cho những du khách hiếm hoi trên mảnh đất đầy bất trắc này.
Đây không phải lần duy nhất Đăng Khoa có cảnh sát đi theo hộ tống trong thời gian có mặt tại Pakistan. Để tới được cửa khẩu Taftan sang Iran, anh bắt buộc phải đặt chân được đến thành phố Quetta, được biết đến là “thành phố của những giấc mơ bị lãng quên”.
Quetta là thủ phủ của tỉnh Balochistan, giáp ranh với Iran và Afghanistan. Tỉnh Balochistan với cộng đồng người Baloch từ lâu đã nổi tiếng vì tình hình bất ổn, xung đột, với những vụ đánh bom liều chết diễn ra hàng ngày nhằm đòi quyền tự trị và kiểm soát vùng đất khô hạn nhưng đầy tài nguyên khoáng sản, và cũng là vùng đất phong trào Hồi giáo cực đoan Taliban vẫn còn hiện hữu. Bất chấp thời tiết khắc nghiệt và không khí đau thương bao trùm, Balochistan vẫn đẹp hoang sơ và ma mị.
Bất cứ ai đi vào khu vực này bắt buộc phải có cảnh sát vũ trang theo sát, dù đi vệ sinh hay đổ xăng, vì sợ du khách bị bắt cóc.
Cảnh sát thay phiên nhau trông chừng cho du khách từ trạm này qua trạm khác. Đăng Khoa có lúc đi xe máy, có lúc đi ôtô cảnh sát. Riêng quãng đường này anh đã được “chuyền tay” 20 lần.
Khi tới Quetta, cảnh sát cũng phải chở Đăng Khoa từ khách sạn đến trụ sở làm giấy tờ để đảm bảo an toàn. Không dừng lại ở đó, họ buộc anh phải ở trong khách sạn, không được ra ngoài.
Một câu chuyện ly kỳ khác của Đăng Khoa tại Pakistan là băng qua 600 km sa mạc Balochistan để đến biên giới Iran. Theo Khoa, đây có lẽ sẽ là thử thách lớn nhất trong cả hành trình vòng quanh thế giới anh hoàn thành kế hoạch. Lần đầu tiên anh thấu hiểu cảm giác chạy xe giữa sa mạc nóng hầm hập, gió thổi mạnh muốn bay xe, đi mãi vẫn chưa tới đích. Thêm vào đó, phải rất khó khăn anh mới được cảnh sát đi theo bảo vệ.
Trên hành trình dài, Đăng Khoa có cơ hội tiếp xúc với người bản địa, đi qua những vùng quê nghèo của quốc gia vùng Nam Á và tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn của họ.
Anh cũng tìm hiểu được thêm nhiều điều thú vị về nền văn hóa độc đáo của Pakistan, chẳng hạn như những chiếc xe tải đầy màu sắc mà tiền vẽ và trang trí xấp xỉ chi phí mua xe. Các hình vẽ thường đan xen những câu thơ, các con vật thần thoại, các vị anh hùng, họa tiết tôn giáo. Người bản địa nhìn vào xe có thể đoán được tài xế xuất thân từ vùng nào, vì mỗi vùng đều có kiểu trang trí riêng kèm những hình ảnh ở quê nhà, giúp họ đỡ nhớ khi đi xa trong thời gian dài.
NIềm vui trên hành trình của Đăng Khoa là gặp được những người bạn chung chí hướng. Trong ảnh là một người Italy và một người Đức cũng đang trên chặng đường vòng quanh thế giới, nhưng theo chiều ngược lại với Khoa.
Sau 20 ngày ở Pakistan, Đăng Khoa đã tới Iran thành công. Tiếp đó anh cần tới được Azerbaijan, Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ trước khi du ngoạn tại châu Âu.
Admin
Ảnh: Facebook nhân vật
Post Top Ad
Responsive Ads Here
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Post Top Ad
Responsive Ads Here
Tác giả
Trang cập nhật tin tức nhanh và chuẩn xác đến từng minimet
No comments:
Post a Comment