Đình Phú Sơn, tọa lạc ấp 4, xã Phú An, huyện Cai Lậy, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Trải qua gần hai thế kỷ tồn tại, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, nhất là bị chiến tranh tàn phá, mặc dù đình đã được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Ảnh: Di tích lịch sử – văn hóa đình Phú Sơn.
Đình Phú Sơn được xây dựng thể hiện theo lối kiến trúc chữ Nhị (=), gồm vỏ ca, vỏ quy, chánh điện và nhà khói, với diện tích 443m2 trên diện tích đất 2.070 m2, cửa quay về hướng Đông. Đình được xây dựng bằng các vật liệu truyền thống, như ô dước, xi măng, gỗ căm xe, đá, gạch, ngói vảy cá. Hệ thống kèo, cột, xiên, trính nhà vỏ ca được kết cấu theo lối nhà rường; Chánh điện (nơi thờ thần) xây theo kiểu tứ trụ, mái bánh ú. Hệ thống gỗ được liên kết với nhau bằng mộng, chốt khá công phu, tạo nên sự vững chãi, chắc chắn của ngôi đình. Đây là kiểu xây dựng đặc trưng của đình, chùa ở miền Nam trong thế kỷ gần đây.
Hiện đình Phú Sơn còn giữ được 6 sắc phong “03 Sắc Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thượng Đẳng Thần” và ” 03 Sắc Bổn Cảnh Thành Hoàng Chi Thần”, do vua Thiệu Trị và Tự Đức phong vào các năm 1845, 1846, 1850, 1853 và đang được thờ trong đình. Bên cạnh thờ Thành Hoàng làng, đình còn thờ các vị “Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ”, với ý nguyện cầu mong cho quê hương, làng xóm được tốt đẹp, an cư, thái bình. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhân dân còn lập bàn thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ để tưởng nhớ về công lao to lớn của những người đã cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc. Đây còn là cơ sở cách mạng quan trọng của xã Phú An trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Theo lịch sử Đảng bộ xã Phú An và tư liệu lưu trữ tại Ban Quan lý di tích Tiền Giang, cuối năm 1933, xã Phú An tiến hành thành lập chi bộ Đảng đầu tiên, gồm các đồng chí Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Văn Xã, Nguyễn Văn Giai, Nguyễn Văn Phùng, Nguyễn Thiết Thạch…do đồng chí Nguyễn Văn Phương làm Bí thư. Sau khi thành lập chi bộ Đảng xã Phú An, chi bộ đã phân công các đồng chí đảng viên đến từng nhà bí mật vận động xây dựng hoặc củng cố hoạt động của những hội quần chúng, đặc biệt là các Vạn cấy, Vạn gặt, lập thêm Hội tương tế và đưa quần chúng nòng cốt và tham gia Ban hội hương đình Phú Sơn, để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, đấu tranh chống tăng sưu, thuế…Đình còn là nơi thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ bí mật của đảng viên trong chi bộ, để tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động cách mạng diễn ra một cách kín đáo và khéo léo, qua mặt những tên mật thám và chính quyền tay sai của địch.
Tháng 8/1936, chi bộ xã Phú An tiến hành phát triển các tổ chức quần chúng nòng cốt và đưa người vào tham gia các hoạt động của Ban hội hương, Ban khánh tiết của đình. Lúc này, Quận Tâm đang khuyến khích các làng tổ chức lễ hội, bày ra các trò chơi dân gian, nhằm lôi kéo thanh niên để theo dõi động thái của ta. Biết được âm mưu đen tối của chúng, lực lượng ta đã sử dụng đình Phú Sơn và các cơ sở tín ngưỡng khác trong xã làm nơi cất giấu tài liệu cách mạng, các loại sách, báo tiến bộ và là nơi gánh hát bội của ông Thôn Kiện về hát phục vụ đồng bào, với nhiều tuồng tích đề cao lòng yêu nước, trung hiếu tiết nghĩa.
Đêm 23 rạng sáng ngày 24/11/1940, lệnh khởi nghĩa trong toàn quận đã về tới Phú An, chi bộ Phú An đã thành lập Ban lãnh đạo khởi nghĩa và phân công các thành viên, gồm các tổ phá hoại, tổ tuyên truyền, liên lạc… hiệu triệu quần chúng tổ chức cuộc mít-tinh lớn với hơn 500 người tham dự ở khu vực đất làng, đại bộ phận là nông dân, nhân sĩ và nhiều thành viên trong các ban hội đình miếu (trong đó có các thành viên Ban hội hương đình Phú Sơn), nhằm tố cáo tội ác của giặc Pháp đối với nhân dân ta, đồng thời kêu gọi mọi người đoàn kết quyết đấu tranh vì sự sống còn của nhân dân. Trước khí thế nổi dậy của quần chúng, những tên ác ôn trong Ban Hội tề làng đã đem vợ con trốn thoát sang Cái Bè. Không bắt được hai tên Hương cả và Hương quản, lực lượng khởi nghĩa kéo đến nhà Thôn trưởng thu toàn bộ giấy tờ, sổ sách đem đốt và kéo về Cai lậy. Lực lượng khởi nghĩa tại Phú An làm chủ được một tuần.
Trong giai đoạn 1945 – 1954, thực hiện các chủ trương của Đảng và chủ trương của Tỉnh ủy, Quận ủy về chống “giặc dốt”, Chi bộ xã Phú An đã tổ chức mở các lớp Bình dân học vụ, xóa mù chữ cho nhân dân tại đình Phú Sơn.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975) đến nay, đình Phú Sơn được dùng làm nơi thờ cúng Thành Hoàng làng, các vị có công khai khẩn lập làng lập ấp, thờ các anh hùng liệt sĩ và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử – văn hóa, đặc biệt là giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau, ngày 25/11/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định số 3570/QĐ-UBND công nhận đình Phú Sơn là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.
Post Top Ad
Responsive Ads Here
Wednesday, July 12, 2017
Home
Unlabelled
Có một ngôi đình gần 300 năm tuổi ở Cai Lậy – Tiền Giang
Có một ngôi đình gần 300 năm tuổi ở Cai Lậy – Tiền Giang
About Unknown
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Post Top Ad
Responsive Ads Here
Tác giả
Trang cập nhật tin tức nhanh và chuẩn xác đến từng minimet
No comments:
Post a Comment