Gò Công, một địa danh từng lưu dấu trong tiềm thức của con người Nam kỳ lục tỉnh hàng trăm năm trước. Hôm nay, đất và người Gò Công vẫn còn đây đó những dấu tích khắc ghi thời son sắc và những hoài bão hướng tới Chân – Thiện – Mỹ.
Đình Tân Đông – ngôi đình “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam bởi toàn bộ đình cổ được bao bọc bởi một cây bồ đề với hàng trăm búi rễ ôm trọn thân đình
Gò Công, mảnh đất được khai phá đầu tiên, hình thành và phát triển cùng thời điểm 300 năm với Sài Gòn – Gia Định, Đồng Nai – Bến Nghé. Thời gian dần trôi, trải qua biết bao biến cố thăng trầm của thời cuộc, đất và người Gò Công đã đóng góp ít nhiều vào trang sử bi tráng và hào hùng của mảnh đất nổi tiếng Địa linh nhân kiệt:
Gò Công rạch Lá nhớ nhung
Quê xưa Võ Tánh, Trương công oai hùng
Lạc loài cách bến xa sông
Gió thu hiu hắt chạnh lòng cố hương
Quay về với quá khứ thời khai phá và quật khởi của đất và người Gò Công, mảnh đất địa linh nhân kiệt, người ta không khỏi chạnh lòng khi nhận ra những tên đất, tên người gắn liền với những điển cố, giai thoại, mà con người Gò Công vẫn còn lưu giữ để vừa làm di tích, vừa lưu truyền cho hậu thế. Đó là Gò Chim Công nói lên ý nghĩa nơi đất lành chim đậu; là lòng thương nước thương dân của Võ Tánh, Trương Định; là ý chí ăn học, thi thố khoa cử của Cống sĩ Phạm Đăng Hưng ở giồng Sơn Quy và nhan sắc Gò Công của 02 bậc mẫu nghi thiên hạ Từ Dũ và Nam Phương hoàng hậu.
Nam Phương hoàng hậu
Theo dòng thời gian, trải qua trên 300 năm khai phá hình thành và phát triển, với vị trí địa lý là cửa ngõ giao thương ra biển lớn và đi sâu vào nội địa đất liền của 02 vùng kinh tế lớn phía Nam của cả nước là vùng vựa lúa và nuôi trồng thủy sản nước ngọt Đồng bằng sông Cửu Long nên Gò Công được xác định là vùng kinh tế biển nhiều tiềm năng phát triển của tỉnh Tiền Giang và cũng là vùng đất xuất xứ của một số loại nông sản, sản vật quý hiếm.
Nhắc tới Gò Công, về với Gò Công đã có biết bao tao nhân – mặc khách khoái cảm với những sản vật độc đáo mà thiên nhiên ban tặng cho nơi này. Nổi tiếng nhất là mắm tôm chà Gò Công, một đặc sản làm từ con tôm bạc, tôm đất của đồng lúa, sông ngòi Gò Công và đang ngày càng phát triển ở thị xã Gò Công và Gò Công Đông.
Mắm tôm chà
Bên cạnh đó, Gò Công còn có một sản vật được tạo ra từ bàn tay tài hoa của nhiều thế hệ nghệ nhân xóm Ông Non Gò Công, đó là cây tủ thờ cẩn ốc xà cừ độc đáo, là một báu vật dùng để trang hoàng nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà và cũng là của cải nói lên sự sung mãn, truyền thống nho phong sĩ khí của gia đình, dòng họ và đang được gìn giữ, phát huy. Hiện đang được trưng bày tại đền Hùng tỉnh Phú Thọ và nhiều nơi tôn nghiêm khác trong nước.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến cây sơ ri cũng là một trong những đặc sản Gò Công từ bao đời nay tự lớn lên và nuôi sống người dân nơi đây. Vườn sơ ri sum suê cho trái chín quanh năm, từng là nơi lưu giữ kỷ niệm tuổi thơ, tuổi mới lớn và cả tuổi lứa đôi của những nam thanh nữ tú miệt vườn Gò Công. Những mối tình son sắc bên vườn sơ ri đó nên thơ đến nỗi trở thành những bài ca trữ tình làm lưu luyến biết bao tao nhân mặc khách mấy độ đi về Gò Công, để thưởng thức bằng được hương vị trái sơ ri bên góc vườn sơ ri trĩu quả, mà tưởng như được gần gũi người đẹp Gò Me của Gò Công trong bài thơ gái Gò Me của nhà thơ Hoàng Tố Nguyên thuở nào.
Sơ ri
Về lại Gò Công, người lữ thứ trở về cố hương hay ai đó vừa mới đến Gò Công vài lần chắc hẳn không thể bỏ qua chuyến du ngoạn biển Tân Thành. Biển Tân Thành ngày nay không còn được nhìn thấy sự trù phú của những vườn mãng cầu dai xanh um ven biển trong buổi trưa hè lộng gió biển đông ngày xưa nữa, nhưng Tân Thành ngày nay ít nhiều được du khách khen tấm tắc là bãi biển cát đen đẹp nhất nhì Đồng bằng sông Cửu Long. Đến với biển Tân Thành, Gò Công là vừa ngắm sóng biển rì rầm bờ bãi vừa thưởng thức các món đặc sản biển, vừa hoài niệm về những chuyện tình trên quê biển Gò Công nên thơ và vương vấn ngày nào:
Ước chi anh như đám dừa xanh cuối sông Vàm cỏ
Như rặng trâm bầu đón gió cửa Cửu Long
Để được sống bên em giữa muôn trùng sóng vỗ
Ơi người anh yêu, người con gái Gò Công
Biển Tân Thành
Đến với Gò Công hôm nay, du khách sẽ không khỏi bị thuyết phục về sự phát triển theo hướng hiện đại nhưng người Gò Công vẫn giữ gìn được giá trị truyền thống của tiền nhân. Chặng đường mở mang và phát triển mới đang mở ra trên quê hương Gò Công và cũng hứa hẹn sản sinh ra nhiều tên đất, tên người và sản vật mới vào trang sử của mảnh đất Địa linh nhân kiệt.
Theo: Thanh Chương
Theo: Thanh Chương
No comments:
Post a Comment