Sau một thời gian vắng bóng, vài năm nay đã xuất hiện trở lại 'kiểu đám cưới ngày xưa' với rạp, cổng cưới được trang trí toàn bằng lá dừa. Tuy mộc mạc, đơn sơ, nhưng thu hút được giới trẻ.
Ngày xưa ở vùng quê, mỗi lần trong xóm có đám cưới thì nam nữ thanh niên cùng nhau mỗi người một việc giúp gia chủ chu toàn ngày trọng đại. Trong đó có việc làm rạp, dựng cổng cưới để treo tấm bảng “Tân hôn” hoặc “Vu quy”.
Trước ngày nhóm họ, các bạn trẻ chia nhau đi tìm bông đủng đỉnh, tàu dừa, bẹ chuối… đốn rồi vác về để dựng rạp, làm cổng. Những người khéo tay sẽ được giao nhiệm vụ trang trí chiếc cổng hoa. Tấm bảng “Tân hôn” hoặc “Vu quy” thì được bện, ghép bằng lá dừa, bông dừa, bông đủng đỉnh, trái cau hoặc hạt lúa, gạo, rất công phu, tỉ mỉ. Tuy mộc mạc, đơn sơ và “cây nhà lá vườn”, nhưng cổng đám cưới quê xưa mang đậm nét văn hóa dân gian, gần gũi và nặng tình làng nghĩa xóm.
Khoảng đầu thập niên 1990 trở lại đây, khi đời sống kinh tế bắt đầu khá lên thì “kiểu đám cưới ngày xưa” cũng dần mai một. Nam nữ thanh niên nông thôn hầu hết bỏ lên thành tìm việc làm. Khi có dịp cưới, hỏi chỉ cần “alo” một tiếng thì có ngay dịch vụ cho thuê “3 trong 1”: bàn ghế, rạp và cổng cưới bằng… hoa giả!
Tuy nhiên, vài năm nay tại Bến Tre đã xuất hiện trở lại “kiểu đám cưới ngày xưa” với rạp, cổng cưới được trang trí toàn bằng “cây nhà lá vườn”. Trong đó, lá dừa là vật liệu chủ yếu.
Chị Đinh Kim Duyên cho biết, năm 2015, khi tham gia tổ chức một gian hàng tại lễ hội Dừa Bến Tre, chị đã cùng với chị ruột là Đinh Kim Ngân tập hợp được một số bạn bè, người quen “khéo tay” để làm ra các sản phẩm như nón, giỏ và hoa bằng lá dừa. Khi lễ hội khép lại, nhóm bạn gồm 7 người, đa số là sinh viên, hướng dẫn viên trẻ, có ý tưởng tạo ra một trang Facebook với tên gọi “Thắt lá dừa” nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm của nhóm. Cũng từ đó, nhiều người biết và đặt hàng.
Theo chị Kim Duyên, khi làm được các sản phẩm hoa bằng lá dừa thì cổng cưới rất đơn giản. Điều quan trọng là mỗi thành viên phải có sở thích và đặc biệt là khéo tay. Nếu không thích thì không thể làm được. Đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhưng bù lại tiền công cũng hấp dẫn. Ví dụ như cổng cưới, tùy theo loại, giá thấp nhất từ 1 triệu đồng cho đến giá cao nhất khoảng từ 15-17 triệu đồng, là mẫu rồng phụng. Thời gian chuẩn bị và thực hiện trong khoảng 2 ngày.
Vì là xứ dừa nên nguyên liệu lá dừa rất dễ kiếm. Tùy thời điểm, nhóm có thể tìm mua hoặc liên kết với cơ sở chuyên kinh doanh củ hủ dừa. Giá mua được tính theo tàu, cao nhất là 10.000 đồng một tàu dừa. Ngoài cổng cưới, nhóm còn tạo hình nghệ thuật bằng lá dừa với hình tượng những con thú hoặc bông hoa, bó hoa, hoa cưới, giỏ xách… phục vụ nhu cầu cưới, hỏi, sinh nhật, lễ hội và tặng cho khách du lịch.
Hỏi người có tay nghề giỏi nhất trong nhóm, Kim Duyên cho biết là nhóm trưởng Đinh Kim Ngân. Khi tham gia vào công việc này, ngoài sở thích, chị cho biết các kỹ năng, nghệ thuật tạo hình, chủ yếu là học qua mạng, học từ bạn bè và người lớn tuổi.
Về thu nhập, Kim Duyên cho biết nếu làm cổng, rạp đám cưới thì chia đều trong nhóm. Còn các sản phẩm khác thì tính theo số lượng, ai làm nhiều được nhiều. Tuy vậy, mục tiêu của nhóm là duy trì, phổ biến nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương. Còn thu nhập chỉ là phụ, bởi vì đa số thành viên trong nhóm đều có công việc ổn định.
Nếu như trước đây, cổng đám cưới nghệ thuật, hoa lá cành rườm rà thường chỉ thấy ở nông thôn, thì bây giờ, các loại cổng trang trí bằng lá dừa, đơn sơ, mộc mạc, mẫu mã đa dạng, lại được các cô dâu, chú rể ở thành thị ưa chuộng, cho dù chi phí không phải là rẻ.
No comments:
Post a Comment