Xuất hiện ở vùng biển Gò Công khoảng 3 năm nay, ốc cau (còn gọi là ốc cà na) đã mang đến cho nhiều người dân nơi đây nguồn thu nhập đáng kể. Nhiều người mạnh dạn đầu tư ghe, lưới để khai thác loài ốc này.
Phân loại ốc cau. |
LẮM NỖI NHỌC NHẰN
Vào mùa gió Nam, biển khá lặng, chúng tôi lên ghe ngược sóng tiến về phía Cồn Ngang (huyện Tân Phú Đông). Ghe chạy được nửa đường, mây đen ùn ùn kéo đến, mưa tối mặt, sóng quật liên hồi làm chiếc ghe chao đảo. Để đảm bảo an toàn cho mọi người, anh Phong (ấp Rạch Bùn, xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông) cho ghe chạy ngược sóng tiến ra phía khơi xa để chờ biển lặng. Sau khoảng nửa giờ vật lộn với sóng gió, biển bắt đầu lặng, anh Phong cho ghe ngược về phía Cồn Ngang. Phía sau mui ghe, cô Tư (xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông) thủ thỉ: “Đi làm mà sóng gió thế này, người thân ở nhà lo lắm. Nhưng gắn bó nhiều năm với cái nghiệp đi biển, riết rồi cũng quen”.
Sau hơn 1 giờ lênh đênh trên biển, ghe cũng đến được Cồn Ngang. Mọi người mang những dụng cụ cần thiết tiến vào bãi bắt ốc cau. Do đầu con nước nên ốc cau xuất hiện khá nhiều. Sở dĩ gọi ốc cau là vì ốc có hình dạng giống quả cau, nhưng cũng có người gọi là ốc cà na. Đang lang thang trên bãi biển, anh Bình bày tỏ: “Hôm nay, ốc cau có nhiều, lại to hơn mọi ngày. Bãi này toàn là vỏ ốc, đi không cẩn thận bị đứt chân như chơi. Muốn không bị thương, phải mang nhiều đôi vớ vào để bảo vệ chân”.
Mùa này, bãi bồi ở Cồn Ngang trải dài một lớp bùn lỏng. Chúng tôi phải rất vất vả để di chuyển trên bãi bùn. Ở vùng đất này, nhiều người dân chọn cách bám biển, bám sông để mưu sinh. Trong hành trình đi bắt ốc cau, chúng tôi gặp anh Hai, ngụ xã Phú Đông (huyện Tân Phú Đông) làm nghề “đặt 12 cửa ngục”. Anh Hai đã vui vẻ chỉ cho chúng tôi nơi có nhiều ốc cau. “Ở phía đầu cồn, tôi thấy có nhiều ốc cau lắm” - anh Hai vừa nói, vừa chỉ tay về phía mặt trời lặn. Nói rồi, mọi người hăng hái tiến về phía đầu cồn. Mặc cho sình lầy, nắng và gió trên đầu, đôi chân của những người bắt ốc cau vẫn băng băng tiến về phía trước.
VÀO MÙA
Ốc cau có quanh năm, nhưng xuất hiện nhiều vào mùa gió Nam. Đây là khoảng thời gian mà hoạt động khai thác biển sôi động nhất trong năm. Thực ra, việc đợi thủy triều xuống để đi bắt ốc cau chỉ là cách làm thủ công, truyền thống. Mỗi chuyến đi, mỗi người thu về chỉ hơn chục kg ốc cau. Với giá ốc cau khoảng 40.000 đồng/kg, ước tính mỗi người thu được vài trăm ngàn đồng/chuyến.
Để nâng cao hiệu quả khai thác, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư ghe, lưới để bẫy ốc cau. Lưới để bẫy ốc cau có hình dạng tương tự “12 cửa ngục”, nhưng khác ở khung tròn. Những người làm nghề bẫy ốc cau này phải chạy ghe ra tận ngoài biển (cách bờ khoảng 1 giờ đi ghe) để đặt lưới và ở lại qua đêm ngoài đó. Anh Sim (ấp 7, xã Bình Xuân, TX. Gò Công) cho biết: “Những đêm mưa gió, sóng đánh ướt cả chỗ ngủ, chúng tôi phải thức trắng đêm”. Thời điểm này đang là mùa ốc cau, mỗi đêm bẫy ốc, mỗi ghe có thể thu được khoảng 200 kg ốc, thu nhập được vài triệu đồng.
Đi, nghe và trải nghiệm cuộc sống mưu sinh của người dân bắt ốc cau, chúng tôi càng hiểu hơn về nỗi vất vả của họ để đổi lấy “chén cơm, manh áo”.
MINH THÀNH
No comments:
Post a Comment