Theo các tài liệu lịch sử, tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho dài 70km bắt đầu hoạt động ngày 20-7-1885, cũng là tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam và Đông Dương.
Vị trí nhà ga xe lửa Mỹ Tho giai đoạn 1885-1958. Một phần công trình này đang được bố trí làm văn phòng Sở Ngoại vụ Tiền Giang - Ảnh: V.TR. |
Tuyến xe lửa này được nhà thầu Joret xây dựng từ năm 1881 với khoảng 11.000 lao động tham gia, chủ yếu là nhân công người Việt. Ban đầu do chưa xây dựng xong cầu Bến Lức và Tân An (địa bàn Long An) nên khi đến đây xe lửa phải tháo rời đưa lên phà qua sông rồi mới chạy tiếp về Mỹ Tho.
Đến tháng 5-1886, xe lửa từ Sài Gòn mới chạy thẳng một mạch tới Mỹ Tho và ngược lại. Thời gian đầu chạy bằng hơi nước nên khá chậm.
Mãi đến năm 1896 chạy bằng máy mới, thời gian rút ngắn còn dưới hai giờ. Và từ khoảng thập niên 1930 thì chạy bằng dầu diesel, còn gọi là autorail.
Theo tài liệu ghi lại lời kể của nhân chứng Tân Văn Công (thầy giáo dạy học ở Mỹ Tho từ năm 1943), tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho có 15 ga.
Ga Sài Gòn nằm ở đầu đường Lê Lai. Ga thứ nhất gọi là Chợ Lớn Mới, nằm bên hông chợ An Đông bây giờ. Còn ga cuối là Mỹ Tho, đặt tại góc đường Trưng Trắc - 30 Tháng 4 (phường 1, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) hiện nay.
Một phần công trình nhà ga xưa hiện vẫn còn, được bố trí làm văn phòng Sở Ngoại vụ Tiền Giang.
Nhà ga Mỹ Tho kiến trúc theo kiểu Pháp, mái ngói, vách tường, cửa ô vòng nguyệt, có chỗ bán vé, chỗ hành khách ngồi chờ, có cân dùng để cân hành lý và ai có nhiều hàng hóa thì phải trả thêm tiền.
Vé xe lửa hồi đó được làm bằng loại giấy dày và cứng. Sau khi thu tiền, người bán vé đưa vé vào máy đục lỗ. Khi hành khách lên xe, người soát vé còn bấm một lần nữa.
Tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho xưa mỗi ngày có 4-5 chuyến. Chuyến đầu tiên từ Mỹ Tho đi Sài Gòn khởi hành khoảng 4h sáng, phục vụ công chức sống ở Mỹ Tho
nhưng làm việc ở Sài Gòn.
Tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho chấm dứt hoạt động năm 1958, tức tồn tại được 73 năm.
Ông Trần Doãn Phi Anh (nguyên giám đốc Trung tâm
nghiên cứu phát triển GTVT phía Nam):
Đường sắt TP.HCM - Cần Thơ phải kết nối mạng đường sắt quốc gia
Việc đơn vị tư vấn thiết kế tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ bắt đầu từ ga Tân Kiên sẽ không phát huy hiệu quả vì không kết nối với mạng đường sắt quốc gia. Bởi vì nếu chỉ làm một nhánh đường từ Cần Thơ đến Tân Kiên thì hành khách và hàng hóa chỉ từ Cần Thơ đến được TP.HCM.
Trong khi nhu cầu vận chuyển đường sắt không chỉ có hành khách mà còn có hàng hóa cần đi suốt tuyến lại không được kết nối.
Do đó, nếu nhà đầu tư đề xuất chỉ làm đoạn Tân Kiên - Cần Thơ thì Nhà nước nên đầu tư cùng lúc đoạn từ ga An Bình đến Tân Kiên để kết nối mạng đường sắt quốc gia, dự án này mới có hiệu quả. N.ẨN ghi
|
Ông Nguyễn Kim Lăng (nguyên phó giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam - Bộ GTVT):
Tính toán kỹ để đầu tư có hiệu quả cao
Thời gian đi tàu lửa cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ đạt 45 phút chỉ khi là đường sắt đôi (có hai đường ray cho tàu đi và về).
Còn đầu tư đường sắt đơn (có một đường ray) do tàu phải chờ tránh nhau ở các ga, tốc độ lữ hành giảm nhiều, chỉ bằng khoảng trên dưới 60% tốc độ thiết kế nên thời gian đi lại sẽ dài hơn.
Do vậy cần so sánh kỹ về kinh tế - kỹ thuật để đảm bảo tính khả thi cho dự án. Ngoài ra việc đặt nhà ga ở Tân Kiên thì đường từ trung tâm TP ra Tân Kiên cũng cần phải thông thoáng, nếu không sẽ làm giảm hiệu quả của tuyến đường sắt.
Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư có khả năng hiệu quả, cả Nhà nước và tư nhân có thể đạt được mục tiêu của mình nếu được minh định rõ khả năng Nhà nước có thể hỗ trợ cho hạ tầng và đền bù giải tỏa mức độ nào và khả năng tài chính của nhà đầu tư dành cho dự án.
Cần nhắc lại là Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) đã đề xuất thực hiện dự án đường sắt cao tốc đầu tiên ở Việt Nam là TP.HCM - Nha Trang.
Tuy nhiên nếu so sánh số liệu dự báo về nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa do Jica thực hiện thì đầu tư tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có hiệu quả hơn nhiều so với TP.HCM - Nha Trang.
|
No comments:
Post a Comment