Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, cho rằng quyền lực được người dân ủy nhiệm cho các cơ quan quản lý, cho những người lãnh đạo nhưng không ít nơi bị tha hóa, phục vụ cho lợi ích nhóm
* Phóng viên: Theo ông, việc kiểm soát quyền lực hiện nay có lỗ hổng để dẫn đến sự tha hóa quyền lực hay không?
Ông Vũ Quốc Hùng
- Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương: Như chúng ta đã thấy, những biểu hiện của tha hóa quyền lực đã quá rõ rồi. Ở mức độ như thế nào thì phải kiểm tra cụ thể từng trường hợp, chỉ rõ để kịp thời ngăn chặn. Quyền lực nằm trong tay các cơ quan lãnh đạo, quản lý, nằm trong tay những người đứng đầu cơ quan được người dân ủy nhiệm để phục vụ lợi ích cho nhân dân. Tuy nhiên, quyền lực hiện đang có những biểu hiện bị tha hóa. Những người có chức, có quyền đang thực thi quyền lực đi ngược lại với lợi ích của người dân. Người được giao quyền lực không thực hiện sứ mệnh phục vụ nhân dân, mà để phục vụ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.
* Như vậy, những biểu hiện cụ thể của tha hóa quyền lực là như thế nào, thưa ông?
- Tha hóa quyền lực biểu hiện ở nhiều sự việc. Quyền lực công vụ bị lợi dụng, biểu hiện là sự nhũng nhiễu, hạch sách người dân. Hay chậm giải quyết các thủ tục hằng ngày cho người dân, đơn cử như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Những người vừa có quyền lực công vụ, chức vụ vừa có quyền hạn, quyền lực kinh tế mà tha hóa sẽ dẫn đến hình thành các nhóm lợi ích, từ đó tham ô, tham nhũng nảy sinh. Vừa qua, vụ đại án Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) gây thất thoát 2.000 tỉ đồng được đưa ra xét xử. Nhóm lãnh đạo ở ngân hàng này đã thực hiện không đúng quy định của pháp luật, cố ý làm trái quy định của nhà nước. Đó là sự biểu hiện của việc tha hóa quyền lực. Họ được giao quyền kinh doanh, phát triển kinh tế nhưng lại gây ra thất thoát hàng nghìn tỉ đồng, sử dụng quyền lực của mình để vi phạm pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng Giám đốc OceanBank, trong phiên xét xử đại án gây thất thoát hơn 2.000 tỉ đồng tại ngân hàng này vào tháng 9-2017
* Ông có thể cho biết những hậu quả của sự tha hóa quyền lực?
- Một khi quyền lực bị tha hóa, sẽ dẫn đến tham nhũng, người cán bộ sẽ quan liêu. Từ đó, các lợi ích của người dân không được quan tâm. Quyền lực lúc này chỉ phục vụ lợi ích nhóm, phục vụ lợi ích cho những người đang nắm quyền hành trong tay.
Nhiều ý kiến cho rằng khi quyền lực trao vào tay người trẻ, thiếu bản lĩnh, không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện thì quyền lực càng sớm bị lạm dụng.
Chúng ta phải nhìn nhận khách quan rằng có nhiều cán bộ trẻ rất nhiệt huyết, giỏi và có tầm. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những cán bộ trẻ chưa thể hiện được bản lĩnh của mình. Đối với trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương thì đã có vấn đề ngay từ khi bổ nhiệm, đề bạt, cụ thể đó là bằng cấp. Theo kết luận, ông Nguyễn Xuân Anh đã không trung thực trong việc kê khai bằng cấp. Đến khi được bầu vào các vị trí lãnh đạo như hiện tại, ông Xuân Anh lại xảy ra các vi phạm khi sử dụng nhà của doanh nghiệp tặng. Ông Nguyễn Xuân Anh từng phát biểu rất nhiều về công tác phòng chống tham nhũng, nhưng cuối cùng thì "nói không đi đôi với làm".
*Theo ông, có những biện pháp cấp thiết nào để ngăn chặn sự tha hóa quyền lực hiện nay?
- Hiện nay, Đảng đã có nghị quyết, nhà nước đã có pháp luật làm cơ sở để kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, để hạn chế sự tha hóa quyền lực, việc đầu tiên cần làm là chọn ra cán bộ đủ tài, đủ tâm, xứng đáng để giao trọng trách, giao quyền.
Mới đây, Ban Tổ chức trung ương đã tổ chức thi tuyển 3 vụ trưởng. Đây là việc làm bước đầu đáng khích lệ để tìm ra người xứng đáng. Tuy nhiên, việc tổ chức thi tuyển cán bộ chỉ là mới điều kiện đủ. Điều kiện cần là những người làm công tác tổ chức cần phải xem xét toàn diện về phẩm chất của những người tham gia thi tuyển đó như thế nào. Có thể một người rất giỏi về kiến thức nhưng phẩm chất đạo đức của người cán bộ lại không đáp ứng được.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát. Chúng ta có một hệ thống các cơ quan kiểm tra, giám sát từ trung ương đến địa phương nhưng điều quan trọng nhất vẫn phải là quyết tâm làm, muốn làm. Nếu như không quyết tâm thì việc dễ cũng không làm được.
Việc kiểm tra, giám sát phải minh bạch, công khai thì mới mang lại hiệu quả. Như báo chí mới đưa tin, cục phó của một cục thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đi kiểm tra doanh nghiệp nhưng bị mất trộm mấy trăm triệu đồng ở phòng nghỉ khách sạn. Dù vụ việc chưa có kết luận cuối cùng nhưng điều này cũng cho thấy việc "không bình thường" khi đi kiểm tra, thanh tra.
Công tác kiểm tra giám sát cũng cần loại bỏ "căn bệnh" nể nang, né tránh, ngại va chạm thì mới làm tốt được việc kiểm soát quyền lực hiện nay.
No comments:
Post a Comment