Các chuyên gia cho rằng xăng dầu do liên doanh Nhật vào Việt Nam mới chỉ là tín hiệu vui, còn khá nhiều gian khó để cạnh tranh trên thị trường
Chia sẻ với phóng viên về sự kiện liên doanh xăng dầu Nhật Bản và Kuwait vừa được phép bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế đều vui và kỳ vọng, song họ cũng chỉ ra những thách thức không hề nhỏ khi nhiều người kỳ vọng chỉ với doanh nghiệp (DN) này có thể tạo ra được thị trường xăng dầu cạnh tranh, linh hoạt và giá cả hợp lý đối với người tiêu dùng Việt.
TS Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng: Thị trường và người Việt rộng cửa đón nhận và vui vì doanh nghiệp xăng dầu Nhật vào Việt Nam là điều dễ hiểu. Vì sau bao nhiêu năm họ thấy một tín hiệu vui, họ thấy thị trường có thêm đối tượng tham gia, nâng cạnh tranh và có thể giá sẽ giảm.
Các chuyên gia cho rằng xăng dầu do liên doanh Nhật vào Việt Nam mới chỉ là tín hiệu vui, còn khá nhiều gian khó để cạnh tranh trên thị trường
Mới chỉ là tín hiệu đầu, niềm vui mới
"Theo Hiệp định thương mại của WTO và các hiệp định FTA khác, Việt Nam không mở cửa phân phối năng lượng, cụ thể là mặt hàng xăng dầu. Liên doanh Nhật được tham gia thị trường bán lẻ xăng dầu là do họ tham gia vào nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, họ được chế biến, phân phối và bán lẻ trong nội địa Việt Nam", ông Long nói.
Được hỏi về nhận định của chuyên gia về đề xuất của ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam: "Nhà nước chỉ nên ban hành khung giá định kỳ để doanh nghiệp vận dụng, như vậy mới tạo ra sự canh tranh bằng giá", ông Long phản đối và cho rằng: xăng dầu tại Việt Nam những năm qua chưa có cơ chế thị trường nên bắt buộc Nhà nước phải quản lý giá, giữ biện pháp can thiệp về giá. Đó là quy định giá cơ sở bán (giá trần), với giá đó anh (DN xăng dầu) không được bán vượt, vì nếu bán vượt sẽ gây hại cho người tiêu dùng. Các DN có quyền bán thấp hơn, pháp luật không cấm. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, các DN xăng dầu lại dựa vào mức giá cơ sở đó để cho rằng đó là loại giá duy nhất và họ bán theo mức đó.
"Nhà nước quy định là giá trần cơ mà, DN được phép bán thấp hơn nhưng lâu nay họ vẫn theo giá cơ sở để bán, ít DN nào bán thấp hơn", ông Long nói.
Theo ông Long, việc tham gia thị trường bán lẻ xăng dầu của DN 100% vốn ngoại cần tạo cơ chế để giúp DN này cạnh tranh sòng phẳng. Họ có phép tính giúp đo chính xác xăng đến 0,001 lít; bán xăng tự động, bán hàng bằng thẻ… sẽ giúp minh bạch, đây là điều được người dân quan tâm. Tuy nhiên, trong bối cảnh Petrolimex đang chiếm 47% thị phần, có hơn 2.700 cửa hàng toàn ở các khu vực đường giao lộ, quốc lộ, cửa ngõ thì cạnh tranh không phải đơn giản.
Khó đồng cân, đồng lạng với Petrolimex?
Cùng vấn đề trên, trả lời phóng viên, Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KH&ĐT) nói: Cùng trong thể chế kinh tế hiện nay, chỉ từ 10 -15 trạm bán xăng dầu của liên doanh liệu có cạnh tranh được không? Trong khi xăng dầu trong nước thời gian qua cũng có nhiều nhà cung ứng tham gia ngoài Petrolimex rồi, những chỗ ngon đã bị các DN lớn đứng chân cửa hàng hết rồi, liệu các DN ngoại có phương thức cạnh tranh ra sao để đảm bảo thành công.
Ông Hồ nhấn mạnh thời gian qua một số DN xăng dầu trong nước đã áp dụng theo phương thức bán tự động, bán theo thẻ đủ cả... Vậy các liên doanh sẽ cạnh tranh như nào để có lợi thế cạnh tranh. Bài học của bán lẻ xăng dầu mới cần học tương tự như Uber và Grab khi họ sử dụng công nghệ tiện lợi và sự phù hợp đối với mọi người tiêu dùng để chiếm lĩnh thị trường và khách hàng. Hãy xem liên doanh xăng dầu họ xây dựng chiến lược cạnh tranh như nào để giành thị trường đang khốc liệt hiện nay.
Trả lời phóng viên Dân Trí, sáng nay, đai diện Bộ Công Thương, ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường và ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường trong nước đều khẳng định: “Hiện tại chưa có chính sách quản lý bán lẻ xăng dầu nào được ra đời thay thế Nghị định 83 cả, các DN hiện nay vẫn bán theo cơ chế chung, đảm bảo không có phân biệt đối xử giữa các loại hình DN với nhau”.
Như vậy, hoạt động của liên doanh xăng dầu Nhật Bản vẫn thực hiện theo quy định của Chính phủ, được áp dụng giá trần bán ra.
Chuyên gia Lưu Bích Hồ băn khoăn cơ chế bán xăng dầu theo Nghị định 83 khi có nhà đầu tư ngoại 100% tham gia liệu rằng có phù hợp với cơ chế thị trường của thế giới hay không?
Tôi chỉ quan tâm là thị trường thế giới vận hành theo cơ chế nào, chúng ta cũng cần học theo, làm theo cơ chế ấy để đảm bảo các DN có động lực phát triển. Không nên và không nhất thiết phải giữ quan điểm doanh nghiệp Nhà nước nắm vai trò độc quyền, độc tôn ở thị trường hàng hóa như xăng dầu bởi nếu ngành này còn độc quyền về giá, cung ứng thì còn kìm hãm các ngành khác theo nữa", ông Hồ nói.
No comments:
Post a Comment