Hành vi tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ xảy ra đã nhiều nhưng do mức phạt quá nhẹ nên mới có đến 3.750 con heo bị tiêm thuốc vừa qua tại TP HCM
Đó là ý kiến của PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, khi trao đổi với phóng viên xung quanh việc tiêu hủy toàn bộ số heo bị tiêm thuốc an thần tại cơ sở giết mổ Xuyên Á.
Theo bà Lan, nếu vụ việc này không được xử lý nghiêm thì các đối tượng vi phạm sẽ tiếp tục xem thường pháp luật. "3.750 con heo ở cơ sở Xuyên Án đã bị tiêm thuốc an thần. Luật pháp cho phép giữ lại số heo này chờ đào thải thuốc, không cần tiêu hủy. Tuy nhiên, sau thời gian chờ đào thải, kết quả thử nước tiểu heo âm tính vẫn chưa chứng minh thịt heo đó bảo đảm an toàn thực phẩm vì thuốc đã ngấm vào thịt, chờ thải hết phải mất ít nhất 2 tuần. Trong thời gian chờ thải, heo đã chết vì sinh bệnh. Giả sử, số heo trên có được thú y cho giết mổ thì bằng quyền lực của Ban Quản lý An toàn thực phẩm, tôi cũng sẽ không cho số thịt vào chợ đầu mối, không được ra thị trường. Nếu là người tiêu dùng, biết lô heo bị dán mác đã tiêm thuốc an thần, thì có dám mua, dám ăn không?" - bà Lan nhấn mạnh.
Tổ chức tiêu hủy heo tiêm thuốc an thần tại cơ sở giết mổ Xuyên Á Ảnh: Vương Ngọc
Về dư luận râm ran tình trạng tiêm thuốc an thần đã xảy ra nhiều nơi, bà Lan nhìn nhận cũng như cảnh sát giao thông, bắt được ai vi phạm thì xử người đó thật nghiêm để răn đe người khác, chứ không thể xử lý tất cả. "Trước đây, thú y đã phát hiện nhiều lần heo bị tiêm thuốc an thần nhưng không kiên quyết xử lý, còn "sợ này, sợ kia" nên mới có chuyện từ vi phạm vài chục con lên cả ngàn con như lần này. Quá trình xử lý nghiêm như việc tạm dừng hoạt động lò mổ lớn nhất TP HCM có gây ảnh hưởng đến nguồn cung thịt, dẫn đến cháy hàng tạm thời, tiểu thương lợi dụng tăng giá như vài ngày qua, tôi mong người dân thông cảm và chia sẻ" - bà Lan nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá cao sự cứng rắn của UBND TP HCM trong việc xử lý vụ việc tiêm thuốc an thần cho hàng ngàn con heo trước khi giết mổ tại cơ sở Xuyên Á. Theo ông, đây là vụ việc nghiêm trọng, hành vi tiêm thuốc an thần cho heo để giết mổ là vô nhân đạo, dã man. Sắp tới, thanh tra bộ sẽ mở rộng kiểm tra cơ sở giết mổ tại các địa phương khác liên quan đến việc sử dụng thuốc an thần sai mục đích. TP HCM là địa phương duy nhất có kiểm tra và phát hiện vi phạm liên quan đến thuốc an thần.
Một chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi giải thích theo đúng chỉ định, thuốc an thần chỉ được tiêm cho một số con heo nọc có tính dữ khi vận chuyển để làm con vật bớt hung hăng. Việc tiêm thuốc an thần không được thực hiện với heo thịt chờ giết mổ vì không bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo chuyên gia này, xe chở heo có chia tầng, ngăn ô, quá trình vận chuyển được nghỉ ngơi, tắm mát thì heo vẫn khỏe mạnh mà không cần dùng thuốc an thần. Việc tiêm thuốc chủ yếu để heo khỏi kêu la khi bị bơm nước và làm cho miếng thịt hồng hào, đánh lừa người tiêu dùng.
Phức tạp bên trong lò mổ
Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết chủ các cơ sở giết mổ tại TP HCM hiện chỉ là chủ đầu tư hạ tầng và cho thuê mặt bằng. Họ có trách nhiệm bảo đảm cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thú y, xử lý chất thải... Lực lượng thú y đảm trách việc kiểm soát giết mổ. Trong một cơ sở giết mổ có nhiều cá nhân (không đăng ký kinh doanh) có hợp đồng thuê mặt bằng, thuê công nhân để tổ chức giết mổ cho chính nguồn heo của họ và nhận gia công thêm của nhiều thương lái khác. Heo đưa về giết mổ có giấy chứng nhận kiểm dịch nhưng người đứng tên trong giấy chưa chắc là chủ thật sự của lô heo. Trong vụ việc tại cơ sở giết mổ Xuyên Á vừa qua, 13 người vi phạm bị nêu tên là các chủ lò, có hợp đồng thuê mặt bằng với cơ sở giết mổ Xuyên Á. Do đó, mới xảy ra tình trạng một số người nhận là chủ heo đến phản ứng việc tổ chức tiêu hủy heo.
No comments:
Post a Comment