Cuộc 'khủng hoảng tiền lẻ' ở trạm thu phí Cai Lậy vẫn chưa đến hồi kết mà còn có “khả năng lây lan” như lo ngại của Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Thường vụ quốc hội Nguyễn Văn Giàu. Câu hỏi được đặt ra là: Ai là người chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng này và cả khả năng có thể lây lan của nó?
Vì các tài xế, những người đã trả phí bằng tiền lẻ chăng? Không phải, bởi vì ngay chính cả công an Tiền Giang cũng xác định là họ không hề phạm luật, cho dù có đưa tiền lẻ vào bịch ni lông hay chai nhựa. Những bác tài đó chỉ phản ứng lại với tư cách là những người bị buộc mua một dịch vụ mà họ cho rằng họ… chẳng hề muốn sử dụng hay chẳng sử dụng như chuyện vận chuyển qua đường tránh quốc lộ 1A ở Cai Lậy.
Ở đâu ra ở cái thời văn minh thương mại đã thuộc thế kỷ XXI này mà lại có chuyện buộc người khác không có quyền lựa chọn mua hay không mua một dịch vụ, một món hàng? Sự quay lại với thời bao cấp chăng? Đó chính là điều mà chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã chỉ rõ ra: việc các nhà đầu tư đã sử dụng con đường độc đạo do “ông bà để lại”, cải tạo lại một chút, sau đó thu tiền khiến người dân bức xúc.
Điều vô lý, sai trái đến mức không thể biện luận gì được, thậm chí trẻ con cũng chỉ ra được đó là vì sao làm đường tránh thị xã Cai Lậy mà lại đặt trạm thu phí ở “con đường độc đạo mà ông bà để lại” là quốc lộ 1A?
Những người “mãi lộ” như công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang muốn đặt trạm ở vị trí đó là điều đương nhiên, vì họ là những người kinh doanh mà nguyên tắc của mọi nhà buôn đều là lợi nhuận phải chiếm vị trí hàng đầu. Người bán bao giờ cũng muốn bán được giá cao, thu lợi thật nhiều. Nguyên tắc này có khi còn được thực hiện ở sự gian trá, thủ đoạn và chính vì vậy trong lịch sử tầng lớp thương buôn thường hay bị “hiểu lầm”, khinh ghét.
Chính vì vậy mà một trong những nhiệm vụ của mọi nhà nước là làm “trọng tài” xử lý các mối xung đột quyền lợi giữa người mua và người bán. Do đó, nhiều người thật ngạc nhiên khi ông Nguyễn Nhật, thứ trưởng bộ Giao thông vận tải trước đó phát biểu rằng: “Trước mắt trạm BOT Cai lậy vẫn phải thu phí theo giá đã được phê duyệt và sẽ không có chuyện di dời hay giảm phí. Làm gì cũng phải có kỷ cương phép nước chứ không phải ai muốn làm gì thì làm”.
Xin hỏi ông “phép nước” nào cho phép làm đường tư nhân mà thu tiền cả quốc lộ? “Phép nước” nào cho phép anh sử dụng tài sản công cộng như quốc lộ để kinh doanh thu phí? “Phép nước” nào bắt mọi người phải trả tiền dịch vụ của anh khi người ta không muốn xài? Và có “phép nước” nào cấm người dân vẫn phải chấp nhận trả số tiền bất hợp lý đó nhưng bằng tiền lẻ?
Cuộc “khủng hoảng tiền lẻ” hiện nay ở trạm thu phí Cai Lậy gây thiệt hại lớn hơn những gì mà người ta tưởng. Đó là những thiệt hại vật chất như sự ùn tắc giao thông gây thiệt hại kinh tế, là thiệt hại về tinh thần do sự ức chế, mất niềm tin của những người qua lại trạm thu phí, chưa kể những thiệt hại sâu xa hơn mà ông Nguyễn Văn Giàu đã nêu, đó là nó sẽ trở thành tiền lệ cho những cuộc khủng hoảng có thể lây lan ở các trạm thu phí BOT trên cả nước. Nó có thể ảnh hưởng xấu đến chính sách đầu tư BOT khi trong ấn tượng của nhiều người, các trạm BOT được cho trên mạng là các trạm “hút máu dân”.
Những cuộc khủng hoảng thường có những “dư âm” gây tác hại lâu dài mà các nhà quản lý nếu biết xử lý tốt sẽ giảm bớt tác hại. Việc dời trạm thu phí có thể là cách xử lý tối ưu cho cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Cai Lậy vì nếu thật sự đường tránh thị xã Cai Lậy tiện lợi thì không cần bắt buộc, người dân cũng sẽ chọn sử dụng. Đó cũng là cách để cho thấy nhà nước, chính quyền của ta thực sự cầu thị, kiến tạo, thực sự mang lại sự hài lòng cho người dân như định hướng của chính phủ trong những năm gần đây…
Và theo lẽ thường tình, cũng phải có ai đó phải bị quy trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng này và những cuộc khủng hoảng tiếp theo hoàn toàn có thể xảy ra…
Đoàn Đạt
No comments:
Post a Comment