Trước khi triển khai dự án BOT, địa phương có trách nhiệm lấy ý kiến cộng đồng, nhưng vì “hời hợt” nên dự án “vấp” phải sự phản ứng của người dân. Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẳng định: Từ nay về sau, ý kiến cộng đồng là yếu tố quan trọng quyết định có đầu tư BOT hay không.
Xung quanh những bất cập của dự án giao thông đầu tư theo hình thức Xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường để làm rõ hơn tồn tại và hướng giải quyết lâu dài.
“Hời hợt” lấy ý kiến người dân!
Thưa Thứ trưởng, việc người dân kéo nhau đến trạm thu phí để chặn xe phản đối đã có nhiều tiền lệ, dù phương án giảm phí dần ổn định được tình hình, nhưng về lâu dài Bộ GTVT đã có giải pháp xử lý triệt để hay chưa?
-Đúng là đã xảy ra sự phản ứng của người dân khi thu phí. Phương án giải quyết cho các trường hợp dân cư gần khu vực trạm thu phí có tần suất đi lại nhiều lần trong ngày là áp dụng thu vé tháng, quý, năm. Các loại vé này đã giảm rất nhiều so với vé ngày, nhưng người dân muốn phải được miễn phí, vấn đề đã là phí thì không được miễn mà chỉ được giảm.
Bộ GTVT đã nhìn nhận lại tổng thể và đang trình Thủ tướng Chính phủ tiến tới hướng giải quyết đối với những xã ở 2 bên trạm có người dân đi lại hàng ngày sẽ giảm 100%, đối với 2 huyện lân cận thì giảm 50%, các đối tượng khác thực hiện vé quý, vé tháng. Khi Thủ tướng phê duyệt và ban hành thì quy định này sẽ áp dụng trên toàn quốc.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: "Người dân có quyền quyết định dự án BOT, lập trạm thu phí"
Nhiều người đặt câu hỏi “Vì sao nên nỗi?”. Trước khi thực hiện dự án, các bên có thực sự tính toán kỹ lưỡng về phương án tài chính không thưa Thứ trưởng?
-Trước khi đặt trạm và đưa ra phương án tài chính đều có thỏa thuận của Bộ GTVT, Bộ Tài chính và chính quyền địa phương, thỏa thuận đó cũng là văn bản pháp lý cao nhất của việc thu phí. Tuy nhiên, qua giám sát của đoàn Quốc hội tại các địa phương vừa rồi cho thấy sự tính toán mới dừng ở cấp Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, còn việc lấy ý kiến của người dân thì không nhiều.
Địa phương mong muốn có đường, muốn có dự án BOT chạy qua để thúc đẩy kinh tế. Địa phương phải chịu trách nhiệm với người dân về quyết định thực hiện dự án, nhưng thực tế thì chính địa phương cũng không giải thích nổi về sự phản ứng của người dân. Vì vậy từ nay về sau, Bộ GTVT coi việc lấy ý kiến cộng đồng là yếu tố quan trọng để quyết định có đầu tư BOT hay không.
Đi 1 đường, nộp phí 1 nẻo
Trạm BOT dày đặc, xe lăn bánh là phải nộp phí. Tuy nhiên, có thực trạng trạm thu phí đặt “nhầm chỗ” nên đi một đường lại phải nộp phí một nẻo, không đi cũng phải nộp phí. Rõ ràng, sự bức xúc của người dân là chính đáng và cần được giải quyết, quan điểm của Thứ trưởng như thế nào?
-Tôi thừa nhận hiện có trạm thu phí đặt “nhầm chỗ”, đặt trạm trên tuyến này để thu hộ phí cho tuyến khác. Đơn cử như trạm thu phí Bắc Thăng Long của Hà Nội thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), trạm Tào Xuyên thu cho tuyến tránh TP Thanh Hóa…
Theo tính toán, nếu chuyển trạm thu phí đi sẽ rất tốn kém, trong khi đó thời gian thu phí hoàn vốn chỉ còn lại ít năm. Ví dụ như việc chuyển 1 trạm thu phí mất cả trăm tỷ đồng nhưng thời gian thu phí còn lại chỉ còn khoảng 40 tỷ đồng. Vì vậy nên chọn phương án đợi cho thời gian thu phí hết đi rồi xóa bỏ trạm.
Vấn đề này cũng đã được cấp Chính phủ trả lời, đổi lại cho việc người dân Hà Nội phải gánh phí cho người dân Vĩnh Phúc thì Chính phủ sẽ bù đắp bằng cách đầu tư cho TP Hà Nội nhiều công trình hạ tầng khác để người dân được hưởng thụ tốt hơn.
Về nguyên lý, Bộ GTVT đang phấn đấu để không còn tình trạng này và cố gắng giải quyết dứt điểm trong năm 2017. Hiện Bộ GTVT đã giải quyết được khoảng 98% trên toàn quốc, trên cả còn 5 trạm thu phí đang đặt “nhầm chỗ”.
Theo quy định, trạm thu phí phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án, khoảng cách giữa các trạm tối thiểu là 70km. Nhưng thực tế khoảng cách đó không đảm bảo, có rất nhiều trạm thu phí “bủa vây” một cung đường độc đạo, trong khi đó không có đường song song để người dân lựa chọn. Tại sao lại như vậy thưa Thứ trưởng?
-Việc đặt trạm thu phí theo quy định của Bộ Tài chính ở Thông tư 159/2013/TT-BTC là đảm bảo khoảng cách 70km/trạm, nhưng Thông tư 90 lại quy định thu phí công trình nào đặt trạm thu phí ở công trình đó.
Trước đây hạ tầng giao thông chủ yếu làm cầu, hầm và ít dự án đường. Đặc biệt, khi làm cầu thì đặt trạm thu phí ngay đầu cầu để thu gọn trong công trình mà không tính toán đường tới trạm. Bộ GTVT đang xê dịch và sáp nhập các trạm lại để đáp ứng khoảng cách 70km/trạm.
Về việc người dân không được lựa chọn đường, lí do là vì không có kinh phí làm đường mới, phải nâng cấp cải tạo trên chính các con đường cũ. Từ năm 2010 đến nay, Bộ GTVT tập trung đầu tư vào các dự án BOT nhưng đến 65% số các dự án là nâng cấp các tuyến cũ, chỉ có 35% là dự án làm mới, cũng bởi thế nên người dân và Chính phủ không có lựa chọn khi phải đi qua 28 trạm thu phí trên quốc lộ 1 độc đạo.
Mặt khác, với sử hình thức thu phí hở thì cứ đi qua trạm thu phí là phải trả tiền, đi 1km cũng phải trả tiền như đi 30km (khác với thu phí kín như cao tốc, đi cây số nào tính tiền cây số đó). Biết rằng không công bằng nhưng trong bối cảnh ngân sách nhà nước eo hẹp nên mong muốn người dân đồng thuận, chung tay đóng góp làm đường, thúc đẩy kinh tế.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Châu Như Quỳnh (thực hiện)
No comments:
Post a Comment