Đại diện BHXH Việt Nam cho biết, việc người lao động ồ ạt ra khỏi lưới an sinh xã hội không ảnh hưởng nhiều tới Quỹ BHXH nhưng lại khiến họ có nguy cơ mất chỗ dựa khi về già.
Chị Nguyễn Thị Yến (48 tuổi, Hà Đông - Hà Nội) làm việc trong một công ty dược, có 15 năm đóng BHXH và đang làm thủ tục để hưởng một lần. Chị dự định dùng số tiền này góp vốn cùng bạn bè mở quán cà phê. Chị Yến đã cân nhắc rất lâu, rằng nếu để hưởng lương hưu thì phải chờ thêm 7 năm nữa, trong khi trước mắt đang rất cần tiền. Chị cũng lo lắng về hưu trước tuổi nhiều năm, tỷ lệ hưởng sẽ không cao. Khi đó, số tiền hưu ít ỏi mỗi tháng không "đánh đu" nổi với vật giá có thể leo thang mỗi ngày.
Ồ ạt nhận BHXH một lần
Tương tự, chị Phan Thị Hoàn, công nhân (CN) da giày ở Đông Anh (Hà Nội) cũng đã làm thủ tục xin hưởng BHXH một lần, lĩnh gần 50 triệu cho 12 năm đóng BHXH. Chị dùng số tiền đó sửa sang nhà cửa, mua một ít con giống về chăn nuôi. Vậy là sau nhiều năm thoát ly nông nghiệp, chị lại quay về với vườn tược, làm nông, để dành một ít tiền cho con đi học.
Công nhân lớn tuổi ở Công ty TNHH Splendour, KCN Nhơn Trạch 1 (Đồng Nai). Ảnh do công nhân cung cấp
Chị Yến, chị Hoàn là những người trong số gần 537.000 NLĐ (tính từ đầu năm đến nay) muốn nhận tiền "một cục" sau khi nghỉ hưu. Tại buổi giao ban báo chí mới đây, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam bày to quan ngại về vấn đề này. Ông Hải chia sẻ: "Người lao động (NLĐ) chọn hưởng BHXH một lần phải hết sức cân nhắc. Vì suy cho cùng, các chính sách của Nhà nước đều hướng đến mục đích là đảm bảo quyền lợi cho NLĐ".
Còn theo thống kê của BHXH Việt Nam, 4 năm qua có khoảng 2,5 triệu người xin lĩnh BHXH một lần, bình quân mỗi năm có hơn 600.000 người. Mới đây, BHXH Việt Nam cũng đã có văn bản khuyến cáo NLĐ về vấn đề này. Theo đó, nếu nhận BHXH một lần thì NLĐ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có gì bảo đảm cho cuộc sống lúc tuổi già, sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. "NLĐ cần hiểu rằng khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là của để dành, không mất đi mà ngược lại, vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng. NLĐ hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ nhà nước", lãnh đạo BHXH Việt Nam bày tỏ.
Sa thải lao động lớn tuổi để tránh đóng BHXH
Theo ông Lê Đình Quảng, Trưởng ban Quan hệ lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam, chủ yếu vẫn do thu nhập thấp. NLĐ dù biết ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài, nhưng vì khó khăn nên phải lo trước mắt. Nhiều doanh nghiệp (DN) đang tìm cách "thải loại" CN nhiều tuổi để tránh đóng BHXH, hay DN trốn đóng, nợ BHXH khiến NLĐ lo lắng. "Nhiều thay đổi trong chính sách BHXH thắt chặt quyền lợi của NLĐ, như tăng thời gian đóng thêm 5 năm để hưởng tối đa lương hưu, dự định kéo dài tuổi nghỉ hưu... khiến nhiều người chọn nhận tiền một cục hoặc về hưu sớm", ông Quảng nhận định.
Chia sẻ với phóng viên, nhiều CN làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất quanh Hà Nội tâm tư, bước sang tuổi 30 đến 35 - độ tuổi thường được coi là "chín" nhất trong sự nghiệp thì lại nơm nớp lo việc bị sa thải. Chị Nguyễn Thị Hoa, đang làm việc tại một Công ty ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long tâm sự: "Nhiều CN làm việc tại đây đều biết tình trạng DN có thể sẽ sa thải khi ngoài 30 tuổi với nhiều lý do như hết hợp đồng, công ty khó khăn phải cơ cấu lại sản xuất hoặc chuyển đổi sang làm vị trí công việc khác để CN không chịu nổi áp lực xin tự nghỉ việc…". Cũng theo nữ CN này, khoảng 3 năm gần đây, công ty liên tục thay lao động bằng người trẻ hơn ở những công đoạn đơn giản chỉ học việc 2-3 tuần là có thể làm việc. Những người gắn bó với công ty lâu như chị không được tăng ca, còn CN trẻ tăng ca liên tục, lương có khi gấp đôi người cũ…
Tới nay chưa có một khảo sát, điều tra đầy đủ nào về vấn đề DN sa thải CN ở tuổi 30, tất cả mới dừng lại ở ghi nhận hiện tượng. Và các công ty đều không làm sai quy định pháp luật hiện hành nên chưa có cơ sở để xử lý. Cùng với đó là không ít DN đã thoả thuận chi một khoản tiền cao hơn quy định của pháp luật để NLĐ tự xin nghỉ việc. NLĐ bị buộc phải quay về khu vực không có quan hệ lao động và không tham gia vào hệ thống BHXH. "Đây là sự lãng phí lớn đối với nguồn lao động của quốc gia. Trong khi đó, Luật Lao động quy định nam nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ 55. Cần có sự điều chỉnh và sửa đổi về pháp luật lao động theo hướng tạo việc làm bền vững", một chuyên gia bày tỏ quan điểm.
Nhiều chuyên gia khác cho rằng, trong khi chờ các cơ quan chức năng tìm giải pháp khắc phục, không còn cách nào khác là NLĐ phải "tự cứu mình", tự hoàn thiện bản thân, tự học hỏi, học nghề thuần thục để chứng minh năng lực. Mặt khác, cần chủ động tìm hiểu Luật Lao động để khi ký hợp đồng lao động với DN không bị "bẫy".
No comments:
Post a Comment