Sau gần 2 tháng “án binh bất động” vì sự phản ứng của người dân, trạm BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) sẽ thu phí trở lại trong tháng 10 này. Tất cả các phương tiện qua trạm sẽ được miễn và giảm phí.
Ngày 26/9, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cùng với liên danh Công ty CP Tư vấn Đầu tư xây dựng Bắc Ái - Công ty CP Đầu tư, thương mại và xây dựng giao thông 1 (nhà đầu tư) và Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang (doanh nghiệp dự án) đã ký phụ lục hợp đồng BOT đầu tư dự án xây dựng công trình quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km1987+560 - Km2014+000, tỉnh Tiền Giang.
Bộ GTVT, liên danh nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án thống nhất giảm giá dịch vụ cho tất cả các phương tiện qua trạm BOT Cai Lậy. Phí được thu theo lượt, theo tháng và theo quý, ứng với các mức giá với từng loại phương tiện.
Trạm BOT Cai Lậy sẽ thu phí trở lại trong tháng 10/2017
Theo đó, mức giá dịch vụ thấp nhất đối với xe 12 chỗ và xe có tải trọng dưới 2 tấn, xe buýt là 25.000 đồng/lượt (mức cũ là 35.000 đồng/lượt); mức cao nhất là 140.000 đồng/lượt (trước đó là 180.000 đồng/lượt) áp dụng với xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet.
Giảm tối đa 100% giá dịch vụ cho các phương tiện loại 1 và loại 2 của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú tại các xã Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An, thuộc huyện Cai Lậy (không tính kinh doanh vận tải).
Giảm 50% giá dịch vụ cho các phương tiện có kinh doanh vận tải và xe buýt nội tỉnh. Cụ thể, mức phí thấp nhất là 13.000 đồng/lượt và cao nhất là 70.000 đồng/lượt.
Lãnh đạo Công ty TNHH đầu tư QL1 Tiền Giang cho biết, trạm thu phí không thể ngừng hoạt động kéo dài vì sẽ gây thiệt hại cho nhà đầu tư, vì vậy doanh nghiệp này đang làm việc với chính quyền địa phương để bàn biện pháp phối hợp đảm bảo an ninh trật tự.
Năm 2012, trên cơ sở kiến nghị của tỉnh Tiền Giang về hình thức đầu tư BOT, cơ sở thống nhất giữa Bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo hợp đồng BOT.
Dự án cải tạo, tăng cường mặt đường 26,4 km quốc lộ 1 qua Tiền Giang, đoạn qua thị xã Cai Lậy dài 11,1 km, sửa chữa 14 cầu kết hợp xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1 km với tổng mức đầu tư 1.398 tỷ đồng.
Ngày 1/8, trạm BOT Cai Lậy bắt đầu thu phí nhưng đã “vấp” phải những phản ứng dữ dội từ các tài xế. Chủ các phương tiện đã sử dụng tiền lẻ và cho vào chai nhựa để trả phí, gây ùn tắc giao thông qua trạm. Trước những bức xúc của người dân, BOT Cai Lậy đã phải “xả” trạm và tạm dừng thu phí từ trung tuần tháng 8 cho đến nay.
Đã có những kiến nghị di dời trạm BOT Cai Lậy hoặc Nhà nước bỏ tiền mua trạm được đưa ra, tuy nhiên Bộ GTVT khẳng định không di dời trạm này. Bộ GTVT cho biết, trạm được đặt trong phạm vi dự án theo quy định của Bộ Tài chính, đã được các cơ quan liên quan và cơ quan đại diện cho nhân dân khu vực xem xét, chấp thuận trên cơ sở so sánh các phương án đặt trạm.
“Nếu di dời trạm thì Nhà nước sẽ phải mua lại dự án, trong điều kiện hiện nay thì không thể thực hiện được việc mua lại dự án do ngân sách Nhà nước hạn hẹp, không bố trí được” - lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.
Theo Bộ GTVT, khi hoàn thành quyết toán dự án, Bộ GTVT và nhà đầu tư sẽ tính toán điều chỉnh giá theo phương án giảm giá hoặc rút ngắn thời gian thu giá dịch vụ. Nhưng về nguyên tắc, khi giảm giá dịch vụ thì thời gian thu sẽ dài hơn và tổng chi phí người dân phải trả sẽ lớn hơn giảm thời gian thu.
Bộ GTVT khẳng định sẽ tính toán đàm phán với nhà đầu tư để lựa chọn phương án tối ưu, có lợi cho người dân, cho Nhà nước.
No comments:
Post a Comment